Tuyển chọn những bài thơ Tố Hữu hay nhất

Tố Hữu (1920 – 2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Phù Lai, Huế. Cuộc đời Tố Hữu gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Năm 18 tuổi chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đến năm 1939, ông bị giặc Pháp bắt và giảm cầm. Đến tháng 3 năm 1942, Tố Hữu vượt ngục và hoạt động cách mạng ở Thanh Hóa. Nhà thơ từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: chủ tích ủy ban khởi nghĩa Huế, Ủy viên bộ chính trị, phó thủ tướng thường trực chính phủ…

Về đời thơ, Tố Hữu được mệnh danh là con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam. Đời, thơ và cách mạng được hòa làm một trong con người Tố Hữu. Ông là nhà thơ cách mạng lãng mãn, thơ ông chỉ có một giọng duy nhất là giọng hào hùng, rạo rực khí thế cờ hoa.

Tố Hữu đã để lại cho đời nhiều tác phẩm thơ bất hủ, đi cùng năm tháng: Từ ấy, Ra trận, Gió lộng, Máu và hoa, Một tiếng đờn, Việt Bắc. Thơ Tố Hữu luôn gắn liền với những dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, khí thế đấu tranh cách mạng hào hùng. Dưới đây là những bài thơ đặc sắc nhất của nhà thơ Tố Hữu mà hocde.vn sưu tầm dành tặng bạn đọc.

1. Từ ấy

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

 

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

 

Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cù bất cù bơ…

Nhiều bạn đọc thắc mắc: Từ ấy là khi nào mà có ý nghĩa đặc biệt như thế đối với Tố Hữu. Đó là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về lý tưởng của Tố Hữu, nhà thơ chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đáng.

Đó là niềm vui lớn lao không gì có thể diễn tả nỗi. Lý tưởng của Đáng như ánh mặt trời rọi qua tim Tố Hữu. Nhà thơ cảm thấy hạnh phúc, tự hào, vui sướng không gì có thể so sánh được. Từ ấy thể hiện rất rõ lý tưởng sống cao đẹp của Tố Hữu, biết hòa niềm vui riêng vào niềm vui chung của cả dân tộc.

2. Bác ơi

Bác ơi!

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…

Chiều nay con chạy về thăm Bác

Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!

 

Con lại lần theo lối sỏi quen

Đến bên thang gác, đứng nhìn lên

Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?

Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

 

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!

 

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!

Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm

Quanh mặt hồ in mây trắng bay…

 

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi

Năm canh bớt nặng nỗi thương đời

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

 

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau

Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu

Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ

Cho hôm nay và cho mai sau…

 

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già

 

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha

Bác nghe từng bước trên tiền tuyến

Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa.

 

Bác vui như ánh buổi bình minh

Vui mỗi mầm non, trái chín cành

Vui tiếng ca chung hoà bốn biển

Nâng niu tất cả chỉ quên mình.

 

Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

 

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều

Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu?

Ra đi, Bác dặn: “Còn non nước…”

Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều

 

Bác đã lên đường theo tổ tiên

Mác – Lênin, thế giới Người hiền

Ánh hào quang đỏ thêm sông núi

Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

 

Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

Năm 1969, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã ra đi vĩnh viễn. Đó là nỗi đau lớn, mất mát lớn của cả dân tộc Việt Nam. Trong giây phút đau thương đó, xúc động, nghẹn ngào Tố Hữu đã viết nên bài thơ Bác ơi. Đó là tiếng lòng, là tiếng khóc của Tố Hữu và cũng là tiếng khóc của cả dân tộc.

Trong nỗi đau, bài thơ vẫn toát lên niềm tự hào, niềm tin vào tương lai đất nước. Bác ra đi nhưng tư tưởng của Người sẽ được toàn đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi. Bác sẽ sống mãi trong lòng mọi người dân đất Việt, vững chãi, cao lớn như muôn ngọn dải Trường Sơn.

3. Người con gái Việt Nam

(Tặng chị Trần Thị Lý anh dũng)

Em là ai? Cô gái hay nàng tiên

Em có tuổi hay không có tuổi

Mái tóc em đây, hay là mây là suối

Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông

Thịt da em hay là sắt là đồng?

 

Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt

Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt

Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh

Trên mình em đau đớn cả thân cành

 

Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng

Em đã sống lại rồi, em đã sống!

Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

Không giết được em, người con gái anh hùng!

 

Ôi trái tim em trái tim vĩ đại

Còn một giọt máu tươi còn đập mãi

Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời

Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!

 

Từ cõi chết, em trở về, chói lọi

Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi

Em trở về, người con gái quang vinh

Cả nước ôm em, khúc ruột của mình.

 

Em đã sống, bởi vì em đã thắng

Cả Nước bên em, quanh giường nệm trắng

Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa

Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa…

 

Cả nước cho em, cho em tất cả

Máu tiếp máu, cho lại hồng đôi má

Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân

Cho thịt da em lại nở trắng ngần

 

Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ

Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ

Em sẽ đi, trên đường ấy thênh thang

Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!

 

Ôi đôi mắt của em nhìn, rất đẹp

Hãy sáng mãi niềm tin tươi ánh thép

Như quê em Gò Nổi, Kỳ Lam

Hỡi em, người con gái Việt Nam!

Đọc bài thơ ai chẳng xúc động nghẹn ngào. Đó là bài thơ Tố Hữu viết dành tặng Nguyễn Thị Lý – người con gái can trường, dũng cảm, như sắt như đồng. Nhà thơ đã dành những ngôn từ đẹp nhất để ca ngợi em – người con gái anh hùng, người đã  đã tạo nên một thời hoa lửa không thể nào quên trong lịch sử dân tộc.

4. Việt Bắc

– Mình về mình có nhớ ta?

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không?

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.

 

– Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

 

– Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

Mình về, còn nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

 

– Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy

Ta đi, ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

 

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô

Nhớ sao lớp học i tờ

Ðồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

 

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

 

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây

Núi giăng thành luỹ sắt dày

Rừng che bộ đội rừng vây quân thù

Mênh mông bốn mặt sương mù

Ðất trời ta cả chiến khu một lòng.

 

Ai về ai có nhớ không?

Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng

Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng

Nhớ từ Cao-Lạng nhớ sang Nhị Hà…

Những đường Việt Bắc của ta

Ðêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Tin vui chiến thắng trăm miềm

Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về

Vui từ Ðồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

 

Ai về ai có nhớ không?

Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.

Nắng trưa rực rỡ sao vàng

Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công

Ðiều quân chiến dịch thu đông

Nông thôn phát động, giao thông mở đường

Giữ đê, phòng hạn, thu lương

Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu…

 

Ở đâu u ám quân thù

Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi

Ở đâu đau đớn giống nòi

Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.

Mười lăm năm ấy ai quên

Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hoà

Mình về mình lại nhớ ta

Mái đình Hồng Thái cây đa Tân Trào.

 

– Nước trôi nước có về nguồn

Mây đi mây có cùng non trở về?

Mình về, ta gửi về quê

Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai

Nâu này nhuộm áo không phai

Cho lòng thêm đậm cho ai nhớ mình

Trâu về, xanh lại Thái Bình

Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi.

 

– Nước trôi, lòng suối chẳng trôi

Mây đi mây vẫn nhớ hồi về non

Ðá mòn nhưng dạ chẳng mòn

Chàm nâu thêm đậm, phấn son chẳng nhoà.

Nứa mai mình gửi quê nhà

Nước non đâu cũng là ta với mình

Thái Bình đồng lại tươi xanh

Phên nhà lại ấm, mái đình lại vui…

 

– Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?

Phố đông, còn nhớ bản làng

Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?

Mình đi, ta hỏi thăm chừng

Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?

 

– Ðường về, đây đó gần thôi!

Hôm nay rời bản về nơi thị thành

Nhà cao chẳng khuất non xanh

Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.

Ngày mai về lại thôn hương

Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về

Ngày mai rộn rã sơn khê

Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng.

Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng

Phố phường như nấm như măng giữa trời

Mái trường ngói mới đỏ tươi.

Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng

Muối Thái Bình ngược Hà Giang

Cày bừa Ðông Xuất, mía đường tỉnh Thanh

Ai về mua vại Hương Canh

Ai lên mình gửi cho anh với nàng

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Ðịnh, lụa hàng Hà Ðông

Áo em thêu chỉ biếc hồng

Mùa xuân ngày hội lùng tùng thêm tươi

Còn non, còn nước, còn trời

Bác Hồ thêm khoẻ, cuộc đời càng vui!

 

– Mình về với Bác đường xuôi

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!

Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi rừng núi trông theo bóng Người…

 

– Lòng ta ơn Ðảng đời đời

Ngược xuôi đôi mặt một lời song song.

Ngàn năm xưa nước non Hồng

Còn đây ơn Ðảng nối dòng dài lâu

Ngàn năm non nước mai sau

Ðời đời ơn Ðảng càng sâu càng nồng.

 

Cầm tay nhau hát vui chung

Hôm sau mình nhé, hát cùng Thủ đô.

Việt Bắc ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt: Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tháng 10 năm 1954, Trung ương đảng, chính phủ rời khỏi Việt Bắc về Hà Nội.

Xúc động nghẹn ngào trước giờ phút chia ly, Tố Hữu đã viết nên bài thơ Việt Bắc. Đây được xem là sáng tác tiêu biểu nhất, ấn tượng nhất, là thành tựu xuất sắc của nền văn học kháng chiến thời kỳ chống Pháp.

Cả bài thơ là một bản anh hùng ca tuyệt vời về cuộc đấu tranh kiên cương bất khuất, lâu dài, gian khổ hy sinh nhưng quá đỗi tự hào của cả dân tộc Việt. Đó là khúc khải hoàn ca cách mạng hào hùng, rạo rực, là nỗi lòng, là tiếng hát ân tình thủy chung với con người, với thiên nhiên nơi núi rừng Tây Bắc.

5. Ta đi tới

Ta đi giữa ban ngày

Trên đường cái, ung dung ta bước.

Đường ta rộng thênh thang tám thước

Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên

Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên

Đường cách mạng, dài theo kháng chiến…

Đến hôm nay đường xuôi về biển

Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi

Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!

Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt

Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát

Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca…

 

Ai qua Phú Thọ

Ai xuôi Trung Hà

Ai về Hưng Hoá

Ai xuống khu Ba

Ai vào khu Bốn

Đường ta đó, tự do cuồn cuộn

Bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi!

Sông Thao nao nức sóng dồi

Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền.

Ờ, đã chín năm rồi đấy nhỉ!

Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ

Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân.

Ngẩng đầu lên: trong sáng tuyệt trần

Tháng Tám mùa thu xanh thẳm

Mây nhởn nhơ bay

Hôm nay ngày đẹp lắm!

Mây của ta, trời thẳm của ta

Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà!

 

Đã tan tác những bóng thù hắc ám

Đã sáng lại trời thu tháng Tám

Trên đường ta về lại Thủ đô

Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ!

Mẹ ơi, lau nước mắt

Làng ta giặc chạy rồi!

Tre làng ta lại mọc

Chuối vườn ta xanh chồi

Trâu ta ra bãi ra đồi

Đồng ta lại hát hơn mười năm xưa…

Các em ơi, đã học chưa?

Các anh dựng cho em trường mới nữa.

Chúng nó chẳng còn mong giội lửa

Trường của em đứng giữa đồi quang

Tiếng các em thánh thót quanh làng.

Ai đi Nam Bộ

Tiền Giang, Hậu Giang

Ai vô thành phố

Hồ Chí Minh

Rực rỡ tên vàng.

 

Ai về thăm Bưng biền Đồng Tháp

Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp

Nơi chôn rau cắt rốn của ta!

Ai đi Nam – Ngãi, Bình Phú, Khánh Hoà

Ai vô Phan Rang, Phan Thiết

Ai lên Tây Nguyên,

Kông Tum, Đắc Lắc

Khu Năm, dằng dặc khúc ruột miền Trung

Ai về với quê hương ta tha thiết

Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng…

 

Ai vô đó, với đồng bào, đồng chí

Nói với Nửa – Việt Nam yêu quý

Rằng: Nước ta là của chúng ta

Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà!

Chúng ta, con một cha, nhà một nóc

Thịt với xương, tim óc dính liền.

 

Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

Dù ai rào giậu ngăn sân

Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ!

 

Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa

Chúng nó chẳng còn mong được nữa

Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng

Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn

Đã bước dưới mặt trời cách mạng.

Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu

Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu

Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!

 

Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp,

Rắn như thép, vững như đồng.

Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp

Cao như núi, dài như sông

Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!

 

Ta đi tới, không thể nào chia cắt

Mục Nam quan đến bãi Cà Mau

Trời ta chỉ một trên đầu

Bắc nam liền một biển

 

Lòng ta không giới tuyến

Lòng ta chung một cụ Hồ

Lòng ta chung một Thủ đô

Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!

6. Lượm

Ngày Huế đổ máu,

Chú Hà Nội về,

Tình cờ chú cháu,

Gặp nhau Hàng Bè.

 

Chú bé loắt choắt,

Cái xắc xinh xinh,

Cái chân thoăn thoắt,

Cái đầu nghênh nghênh,

 

Ca-lô đội lệch,

Mồm huýt sáo vang,

Như con chim chích,

Nhảy trên đường vàng…

 

– “Cháu đi liên lạc,

Vui lắm chú à.

Ở đồn Mang Cá,

Thích hơn ở nhà!”

 

Cháu cười híp mí,

Má đỏ bồ quân:

– “Thôi, chào đồng chí!”

Cháu đi xa dần…

 

Cháu đi đường cháu,

Chú lên đường ra,

Ðến nay tháng sáu,

Chợt nghe tin nhà.

Ra thế, Lượm ơi!

 

Một hôm nào đó,

Như bao hôm nào,

Chú đồng chí nhỏ,

Bỏ thư vào bao,

 

Vụt qua mặt trận,

Ðạn bay vèo vèo,

Thư đề “Thượng khẩn”,

Sợ chi hiểm nghèo!

 

Ðường quê vắng vẻ,

Lúa trổ đòng đòng,

Ca-lô chú bé,

Nhấp nhô trên đồng…

 

Bỗng loè chớp đỏ,

Thôi rồi, Lượm ơi!

Chú đồng chí nhỏ,

Một dòng máu tươi!

 

Cháu nằm trên lúa,

Tay nắm chặt bông,

Lúa thơm mùi sữa,

Hồn bay giữa đồng.

Lượm ơi, còn không?

 

Chú bé loắt choắt,

Cái xắc xinh xinh,

Cái chân thoăn thoắt,

Cái đầu nghênh nghênh.

Ca-lô đội lệch,

Mồm huýt sáo vang,

Như con chim chích,

Nhảy trên đường vàng…

Bài thơ ca ngợi tinh thần dũng cảm, kiên cường của người thiếu niên mang tên Lượm. Hình ảnh cậu bé giao liên nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, yêu đời, lạc quan được khắc họa thật đẹp trong thơ. Nhưng nỗi bật hơn cả chính là tinh thần gan dạ, không quản ngại hiểm nguy, dù đạn có bay vèo nhưng thư khẩn thì không thể nào chậm trễ. Tinh thần của lượm biểu trưng cho tinh thần, khí thế của cả dân tộc, của lớp lớp người Việt Nam yêu nước sống trong thời đại Hồ Chí Minh.

7. Bầm ơi!

Ai về thăm mẹ quê ta

Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm…

Bầm ơi có rét không bầm!

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.

Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!

Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều

Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!

Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

Con đi đánh giặc mười năm

Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

Con ra tiền tuyến xa xôi

Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.

Nhớ thương con bầm yên tâm nhé

Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.

Con đi xa cũng như gần

Anh em đồng chí quây quần là con.

Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí

Bầm quý con, bầm quý anh em.

Bầm ơi, liền khúc ruột mềm

Có con có mẹ, còn thêm đồng bào

Con đi mỗi bước gian lao

Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!

Bao bà cụ từ tâm như mẹ

Yêu quý con như đẻ con ra.

Cho con nào áo nào quà

Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.

Con đi, con lớn lên rồi

Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!

Nhớ con, bầm nhé đừng buồn

Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.

Mẹ già tóc bạc hoa râm

Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con…

Tố Hữu đã dành nhiều trang thơ đẹp đẽ nhất để viết về những người mẹ trong kháng chiến. Bài thơ Bầm ơi là một trong số đó. Thơ được viết dưới dạng một bức thư gửi đến Bủ Gái – người mẹ kháng chiến ngày nào nơi gốc gạo.

Lời thơ chân thành, sâu lắng, ngọt ngào, da diết, tái hiện lại hình ảnh người mẹ tảo tần, bình dị, cao cả nơi vùng trung du miền núi. Dẫu khó khăn vất vả, dẫu hiểm nguy mẹ vẫn nuôi nấng, che chở cho chúng con – những người lính cụ hồ.

Bài thơ kết thúc thật xúc động nghẹn ngào “Mẹ già mái tóc hoa râm. Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con”. Thật tự hào người mẹ Việt Nam anh hùng.

Thơ Tố Hữu chỉ có một giọng duy nhất, đó là hào hùng, hừng hực khí thế cách mạng. Vì thế, dù trong hoàn cảnh nào đọc thơ ông ta cũng thấy tim mình rạo rực, phấn chấn, yêu đời, yêu tổ quốc, tự hào về những năm tháng chiến đấu gian khổ hy sinh của bao thế hệ cha ông, của cả một dân tộc. Hy vọng bạn hài lòng với món quà mà hocde.vn sưu tầm dành tặng nói trên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *