Top 3 bài văn mẫu hay giải thích câu tục ngữ lá lành đùm là rách

Ca dao tục ngữ là kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam, trong những câu ca dao tục ngữ luôn ẩn chứa những bài học quý giá. Trong chương trình Ngữ văn chủ đề giải thích câu ca dao tục ngữ không chỉ là bài văn bình thường giúp các em phát triển tư duy ngôn ngữ mà còn dạy các em những bài học quý giá. Sau đây là top 3 bài văn mẫu hay giải thích câu tục ngữ lá lành đùm lá rách, mời các em tham khảo.

Giới thiệu dàn ý bài văn mẫu giải thích câu tục ngữ lá lành đùm lá rách

Mở bài:

Giới thiệu nét văn hoá đặc trưng của cha ông ta được lưu truyền từ hàng ngàn đời nay đó là kho tàng ca dao tục ngữ.

Nhắc đến truyền thống đoàn kết, thuơng yêu và bảo vệ nhau của dân tộc ta, dẫn nhập câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách”

Thân bài:

  • Giải thích câu tục ngữ về nghĩa đen
  • Từ nghĩa đen liên tưởng đến nghĩa bóng
  • Những bài học mà cha ông ta muốn nhắc nhở, răn dạy chúng ta biết yêu thương, đùm bọc lấy nhau, giúp đỡ lẫn nhau như vậy mới phải đạo
  • Dẫn chứng về bài học bằng những việc làm cụ thể mà em đã được chứng kiến như các chương trình từ thiện, ủng hộ lũ lụt, quyên góp cho các em thiếu nhi vùng cao. Những chương trình thiện nguyện phản ánh đúng giá trị của câu tục ngữ

Kết bài:

nhận xét của em về câu tục ngữ, nhận định có nên gìn giữ và phát huy câu tục ngữ trên hay không

Bài văn giải thích câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” mẫu số 1

top-3-bai-van-mau-hay-giai-thich-cau-tuc-ngu-la-lanh-dum-la-rach-1

Tinh thần tương thân tương ái là truyền thống ngàn đời của người Việt

Việt Nam chúng ta là một đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường, chúng ta đã đánh đuổi biết bao bao quân xâm lược, có được chiến thắng như vậy tất cả nhờ vào sức mạnh đoàn kết, tương thân tương ái. Truyền thống giúp đỡ lẫn nhau, biết yêu thương sẻ chia với nhau cũng là nét đẹp truyền bao đời nay. Bởi từ xa xưa ông cha ta đã dạy rằng “lá lành đùm lá rách”.

Vậy “lá lành đùm lá rách” là gì, ngày xưa thời còn chưa có túi nilon hay túi đựng như bây giờ mọi người thường dùng lá để bọc đựng những món đồ đi chợ về. Đương nhiên ai cũng muốn bọc bằng những mảnh lá lành nhưng không phải lúc nào cũng có, nếu phải bọc bằng lá rách sẽ rơi hết đồ bên trong vì vậy mọi người thường đùm một lớp lá lành bên ngoài, như vậy sẽ rất chắc chắn. Lấy hình ảnh lá lành đùm lá rách để đúc kết bài học rằng mọi người phải biết tương trợ cho nhau, chia sẻ khó khăn với nhau, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau có như vậy mới tạo nên sức mạnh làm nên tất cả. Đối chiếu câu tục ngữ trên với hiện thực xã hội từ xưa đến nay chưa khi nào giá trị của nó bị thuyên giảm, đăc biệt là với ngày nay, những chiếc lá rách đại diện cho lớp người nghèo khổ, khó khăn, những người gặp hoạn nạn, và đại diện cho những chiếc lá lành là lớp người điều kiện tốt hơn, những người giàu có. Lá lành đùm lá rách không chỉ để nhắn nhủ một bài học dành cho mọi người phải biết giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ khó khăn với nhau, đó cũng là trách nhiệm với xã hội, với đất nước. Khi mọi người biết thể hiện tinh thần đoàn kết như vậy thì đất nước mới vững mạnh. Nhắc đến tình tương thân tương ái từ xưa đến nay cũng có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ khác như: “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” hay câu “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, quả thực đúng như vậy tuy chúng ta không cùng một gia đình, không chung huyết thống nhưng chúng ta đều là con trong gia đình lớn mang tên Việt Nam, dòng máu “con rồng cháu tiên” chảy trong huyết mạch của mỗi người, vậy tại sao chúng ta lại không yêu thương nhau. Không ai mong muốn có một cuộc sống khó khăn hay hoạn nạn nhưng đôi khi cố gắng mãi mà không được, hoặc không biết làm thế nào để khấm khá lên. Cũng không ai có thể chắc chắn rằng mình chẳng bao giờ gặp nạn, nếu ngày hôm nay chúng ta giúp đỡ người khác thì ngày mai khi ta gặp khó khăn sẽ có người khác giúp đỡ ta. Thể hiện nét đẹp truyền thống của dân tộc và thực hiện những bài học trong câu tục ngữ mà cha ông đã răn dạy, hiện nay có rất nhiều nhưng chương trình từ thiện như hướng về miền trung lũ lụt, chia sẻ với người nghèo, các mạnh thường quân tài trợ cho quỹ trái tim cho em để thực hiện những ca mổ cho các em bé không may bị tim bẩm sinh, các quỹ học bổng, khuyến học dành cho các bạn học sinh khó khăn vươn lên học giỏi và rất rất nhiều những chương trình khác. Tất cả vì cộng đồng, tất cả vì một đất nước ai ai cũng được hạnh phúc.

Tiếp nối truyền thống cha ông, chúng em những thế hệ tiếp theo luôn cố gắng học hỏi, phát huy nhiều hơn nữa giá trị của bài học trong câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” thể hiện trách nhiệm của một người con đất Việt.

Bài văn giải thích câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” mẫu số 2

top-3-bai-van-mau-hay-giai-thich-cau-tuc-ngu-la-lanh-dum-la-rach-2

Biết yêu thương, chia sẻ với nhau lúc hoạn nạn khó khăn

Đặc trưng trong văn hoá của người Việt so với những nước khác trên thế giới đó là luôn coi trọng chữ “tình” , mọi người sống với nhau luôn đặt chữ “tình” lên hàng đầu, chữ “tình” ở đây chính là tình làng nghĩa xóm, tình người, tình anh em chung một dòng giống. Bài học giáo dục ngay từ khi còn nhỏ luôn được răn dạy đó là phải biết chia sẻ, biết đồng cảm, biết yêu thương con người, biết giúp đỡ người gặp hoạn nạn dù chỉ một chút sức lực của bản thân, như người xưa đã nói “lá lành đùm lá rách”

Điểm chung của những câu ca dao tục ngữ mà cha ông truyền lại là đều sử dụng những hình ảnh hết sức bình dị, là những vật hàng ngày ai ai cũng có thể nhìn thấy để ẩn dụ, ví von cho ý nghĩa sâu xa ẩn chứa bên trong, quả thật là rất tinh tế. Như trong câu tục ngữ này “lá lành đùm lá rách” hình ảnh quen thuộc là chiếc lá trên cây, ở trên một cây thì có lá lành cũng có những chiếc lá bị rách, lá rách rất là những chiếc lá rất dễ bị tổn thương, một trận mưa lớn, một cơn gió cũng đủ làm lá rơi rụng xuống. Lá rách cũng giống như tầng lớp những người nghèo khổ, hoàn cảnh éo le trong xã hội, họ dễ dàng bị vùi dập, dễ bị tổn thương, họ không đủ sức để chống chọi lại những giông bão của cuộc đời. Lá rách không phải vì lá muốn như vậy cũng giống như con người, không ai mong muốn mình nghèo khổ, đói rách nhưng số phận từ khi sinh ra đã chặn đường phát triển của họ, họ cũng đã cố gắng phấn đấu nhưng không được và cũng có thể bỗng dưng một ngày họ gặp hoạn nạn. Khi những chiếc lá rách mỏng manh nhất chuẩn bị lìa cành thì sự tương trợ của lá lành sẽ giúp nó vượt qua. Tầng tầng lớp lớp lá lành che chở cho lá rách một phần mưa gió thì cả cây sẽ không bị rơi một chiếc lá nào, tạo thành tán cây toả bóng rộng xuống đất. Đối chiếu với con người, những chiếc lá lành là tầng lớp người giàu có hay chỉ đơn giản là đang có cái ăn, cái mặc, có nhà để che mưa che nắng hãy biết dang tay để đùm bọc, sẽ chia với những người khó khăn hơn mình, tất cả chung tay vì một đất nước vững mạnh hơn. Nói đến truyền thống tương thân tương ái lá lành đùm lá rách ta có thể kể đến những chương trình như Lục lạc vàng trai tặng bò cho bà con nông dân, những học bổng cho các bạn học sinh khó khăn hay gần đây nhất khi dịch bệnh xảy ra các bạn sinh viên đã nhường chỗ ở của mình ở ký thúc xá làm nơi cách ly, những anh bộ đội làm nhiệm vụ chăm sóc người cách ly đến quên cả thân mình, những tin nhắn ủng hộ quỹ, những lời động viên lời cảm ơn gửi đến các bác sỹ ngày đêm làm nhiệm vụ.

Câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” đã truyền từ rất lâu rồi, qua bao thế hệ vẫn không làm mất đi giá trị của nó. Chúng em những thế hệ tiếp theo của đất nước cần phải biết gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị và sức mạnh mà cha ông đã để lại.

Bài văn giải thích câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” mẫu  số 3

top-3-bai-van-mau-hay-giai-thich-cau-tuc-ngu-la-lanh-dum-la-rach-3

Sự chia sẻ dù là nhỏ nhất cũng giúp họ vững bước vượt qua khó khăn

Đất nước Việt Nam của chúng ta là một đất nước giàu truyền thống văn hóa, suốt chiều dài lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước đến nay có rất nhiều truyền thống tốt đẹp được lưu giữ và ngày càng phát huy qua hết thế hệ này đến thế hệ khác. Truyền thống tốt đẹp nhất mà những người con Việt luôn tự hào đó là tình tương thân tương ái, sự sẻ chia đùm bọc nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn, đúng với tinh thần mà cha ông ta đã dạy trong câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách”

Trong những câu tục ngữ từ xa xưa của cha ông ta những bài học răn dạy luôn được ẩn chứa đằng sau những hình ảnh và ngôn từ rất bình dị. Vì vậy để hiểu câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” chúng ta bóc tách từng lớp nghĩa của nó, gồm có nghĩa đen và nghĩa bóng. Lớp nghĩa đen bên ngoài chính là lớp nghĩa có thể nhìn thấy ngay của hình ảnh được nhắc đến, lá lành đùm lá rách, chúng ta có thể hiểu một cách nôm na là trên một cái cây không thể chỉ có mình những chiếc lá lành lặn, đẹp đẽ được mà luôn có cả những chiếc lá rách, lá lành đùm lá rách để che cho lá rách khỏi những hạt mưa, cơn gió có thể khiến lá rách rơi rụng xuống, như vậy cái cây lúc nào cũng trông sum suê. Từ lớp nghĩa đen bài học được ẩn giấu trong đó được giải nghĩa rằng trong xã hội có người giàu người nghèo, có người lành lặn khỏe mạnh cũng có người ốm yếu, có người may mắn bình yên cũng có người không may gặp nạn. Nếu như những người khỏe mạnh, giàu có biết bao bọc, chia sẻ với những người khó khăn hơn mình thì đất nước mới vững mạnh như cái cây kia vững mạnh vượt qua giông bão. Truyền thống đó được xem là truyền thống tốt đẹp từ hàng ngàn đời nay, người có nhiều góp sức nhiều, người có ít góp sức ít, các chương trình quy mô lớn như “vì người nghèo”, “trái tim cho em” hay trong khuôn khổ trường học chúng em cũng luôn có những hoạt động quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng để gửi lên vùng cao hay đơn giản nhất là các bạn trong lớp giúp đỡ bạn học có hoàn cảnh khó khăn của mình. Những hành động đó sẽ tiếp thêm sức mạnh, động viên, nâng đỡ nhau cùng tiến bước.

Câu tục ngữ trên quả thực rất ý nghĩa, là những thế hệ tiếp theo của đất nước chúng em có nhiệm vụ gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Với những bài văn mẫu trên hy vọng đã giúp các em hiểu câu tục ngữ và biết cách diễn đạt thành bài văn hoàn chỉnh hay nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *