Phân tích 13 câu đầu của bài thơ Vội Vàng- văn mẫu lớp 11

Đối với các bạn học sinh lớp 11, chủ đề phân tích bài thơ là một trong những chủ đề quan trọng nằm trong bộ đề thi và kiểm tra, dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp bộ tài liệu dàn ý và văn mẫu phân tích 13 câu thơ đầu bài “vội vàng” của Xuân Diệu, mời các em tham khảo.

Dàn ý bài phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng

phan-tich-13-cau-dau-cua-bai-tho-voi-vang-van-mau-lop-11-1

Vội vàng là bài thơ tiêu biểu của Xuân Diệu

Mở bài:

– Giới thiệu xơ lược về tác giả Xuân Diệu

– Giới thiệu 13 câu thơ đầu: đoạn thơ thể hiện tình yêu tha thiết với cuộc sống, với thiên nhiên tạo hoá ban tặng.

Thân bài:

* Luận điểm 1: (4 câu thơ đầu) Khao khát lạ lùng của nhà thơ Xuân Diệu

– Điệp từ “Tôi muốn” được tác giả lặp lại hai lần như thể hiện cái tôi ngông cuồng mang đến một hồn thơ rất riêng biệt của Xuân Diệu

– “Nắng” “gió” là những hiện tượng của tự nhiên con người không thể thay đổi được nhưng tác giả lại muốn “tắt đi” “buộc lại”  một hành động không thể nào thực hiện được nhưng tác giải muốn thể hiện cái tôi của mình muốn cản lại sự vận hành của thiên nhiên vũ trụ, muốn đoạt quyền của tạo hoá.

– “Đừng nhạt mất”, “đừng bay đi” là ước muốn làm ngưng đọng thời gian, ngưng đọng vẻ đẹp của thiên nhiên

=> Bốn câu thơ thể ngũ ngôn cùng điệp từ tôi được sử dụng rất hiệu quả thể hiện ước muốn lưu giữ lại cho cuộc đời những gì đang vào điểm đẹp nhất, ước muốn ngự trị thiên nhiên, muốn đoạt quyền của tạo hoá, muốn ngăn lại cả thời gian.

=> Trái tim tác giác luôn hướng một tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên, với cuộc sống.

* Luận điểm 2: (9 câu tiếp theo) Bức tranh về thiên nhiên hoà cùng tuổi trẻ và tình yêu

– Một sự chuyển đổi rất nhanh thành câu thơ kéo dài tám chữ nhịp điệu nhanh hơn giúp người đọc như nhận ra một thiên đường ngay trước mắt vừa trong tầm tay của con người.

– Điệp từ “này đây” như mở ra một cánh cửa mời gọi vạn vật đến với thiên đường sống động tràn ngập âm thanh, màu sắc của “ ong bướm”, “hoa”, “đồng nội”, “cành tơ”, “yến anh”

– Tất cả sự rộn ràng sống động ấy lại được tác giả tạo ra trong “khúc tình si” và dưới “ánh sáng chớp hàng mi”

– “Tháng riêng ngon như một cặp môi gần” một hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác tinh tế và mới mẻ trong thơ Xuân Diệu

– Tác giả như muốn gửi gắm đến mọi người một thông điệp đó là mọi sự đẹp đẽ tinh hoa của tạo hoá không ở đâu xa mà nó là cuộc sống xung quanh ta, hiện hữu ngay trước mắt ta.

– Hai câu cuối là một sự tiếc nuối cái xuân ngay khi nó còn ở hiện tại

* Quan niệm mới mẻ của Xuân Diệu

– Thiên đường của cuộc sống là những gì tồn tại ngay trước mắt

–  Con người chính là chuẩn mực của mọi cái đẹp trên thế gian

* Đặc sắc nghệ thuật

– Sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh, giàu sức biểu cảm

– Các điệp từ, điệp ngữ được sử dụng rất hiệu quả

– Cấu trúc thơ đan xen câu dài câu ngắn tạo nhịp điệu nhanh chập, linh hoạt cho bài thơ

– Các biện pháp so sánh, nhân hoá, ẩn dụ khéo léo kết hợp hài hoà

Kết bài:

– Khẳng định lại giá trị nội dung đoạn thơ

– Cảm nhận của em về đoạn thơ trên

Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng

phan-tich-13-cau-dau-cua-bai-tho-voi-vang-van-mau-lop-11-2

Bài vội vàng nằm trong tập thơ thơ của Xuân Diệu

Nhắc đến Xuân Diệu là nhắc đến một nhà thơ của tình yêu, tình yêu với thiên nhiên cuộc sống, tình yêu với tuổi trẻ. Ông là một nhà thơ mới của các nhà thơ mới, trước cách mạng tháng tám ông hăng say tham gia hoạt động văn hoá nghệ thuât với nhiều tác phẩm nghệ thuật để đời. Mang trong mình một nguồn sống mãnh liệt, một tình yêu thiên nhiên thuần khiết cùng với những quan niệm về thẩm mỹ, quan niệm sống mơi đã tạo ra phong cách riêng trong thơ của Xuân Diệu. Đăc biệt là tập thơ đầu tay “Thơ thơ” tác phẩm đặc sắc trong đó không thể không nhắc đến bài thơ “ Vội vàng” thể hiện một lối sống vội vàng của tuổi trẻ, nổi bật nhất là 13 câu thơ đầu tiên thể hiện tình yêu tha thiết với thiên nhiên, với tạo hoá và cả muôn loài.

Mở đầu bài thơ ngắn gọn chỉ bằng 4 câu thơ năm chữ nhưng cũng ghi điểm bởi cái tôi riêng biệt trong phong cách thơ Xuân Diệu:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất.

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.”

Điệp “tôi” được sử dụng hai lần trong đoạn thơ đã phần nào thể hiện sự ngông cuồng, khao khát mãnh liệt của tác giả. “Nắng”, “gió” là những hiện tượng của tự nhiên con người không thể thay đổi được nhưng tác giả lại muốn “tắt đi”, “buộc lại” một hành động không thể nào thực hiện được nhưng tác giả vẫn muốn cản lại thiên nhiên, cản lại sự vận hành của vũ trụ, muốn đoạt quyền của tạo hoá. Có thể dễ dàng hiểu điều này vì Xuân Diệu yêu đến tha thiết đến ngông cuồng cái đẹp của vũ trụ nên muốn “màu đừng nhạt mất”, “hương đừng bay đi” để làm ngưng đọng thời gian, ngưng đọng cái đẹp ấy lại cho mình và cho mọi người.

Bốn câu thơ thể ngũ ngôn kết hợp điệp từ “tôi” được sử dụng rất hiệu quả trong việc thể hiện ước muốn lưu giữ lại cho cuộc đời những gì đang vào điểm đẹp nhất, ước muốn ngự trị thiên nhiên, muốn đoạt quyền của tạo hoá, muốn ngăn lại cả thời gian. Có thể nói đằng sau trái tim luôn hướng một tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên, với cuộc sống là cả một tâm hồn yêu người với thái độ trân trọng và nâng niu.

Một sự chuyển đổi rất nhanh từ câu thơ ngắn kéo dài thành câu tám chữ với nhịp điệu nhanh hơn giúp người đọc như nhận ra một cuộc sống thiên đường hiện hữa ngay trước mắt, vừa trong tầm tay của con người:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của nội đồng xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”

Điệp từ “này đây” được lặp đi lặp lại 5 lần như mở ra trước mắt một cánh của mời gọi vạn vật đến với thiên đường giàu có sống động tràn ngập âm thanh màu sắc của “ong bướm” ngọt ngào tình tứ, những bông “hoa” toả hương thơm ngát trên “đồng nội xanh rì” vài chiếc lá non trên những “cành tơ phơ phất” điểm thêm khúc hát của chú chim “yến anh” làm xao xuyến lòng người. Tất cả sự rộn ràng sống động ấy lại được tác giả hoà quyện trong “khúc tình si” và dưới “ánh sáng chớp hàng mi”, tác giả thật khéo léo khi sử dụng một sự sáng len lói trong âm thanh của cuộc sống giúp người đọc liên tưởng đến khung cảnh ấm áp của một bữa tiệc gia đình, có ánh sáng có âm thanh có cảnh đẹp đặc biệt có con người qua hình ảnh ẩn dụ “ chớp hàng mi”. Chính bởi cái nhìn mới mẻ cặp mắt xanh rì của tác giả về cái chuẩn mực của cái đẹp là con người nên đã thực sự tạo ra khung cảnh náo nhiệt say mê giữa lòng tạo háo.

“Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa

Tháng riêng ngon như một cặp môi gần.”

Hai câu thơ tiếp theo đã thể hiện được tâm hồn phong phú của tác giả khi ta bắt gặp hình ảnh “thần vui hằng gõ cửa” gợi liên tưởng sự gần gũi với hình ảnh của một vị thần luôn mang những niềm vui ban tặng đến cho nhân gian vào mỗi buổi sớm mai, đánh thức mọi sự sống dậy để tận hưởng những làm gió mới tươi mát. Và với Xuân Diệu mỗi sớm mai thức dậy được tận hưởng những gì tươi mới của sắc hương hoa là điều ông cảm thấy thanh bình nhất, dưới ngòi bút của ông thì bất cứ sự vật, sự việc nào cũng đang ở độ non xanh nhất :

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Câu thơ thoáng đọc tưởng như một sự so sánh đơn giản thế nhưng ẩn sâu là một hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, một hình ảnh rất mới trong thơ ca cũng như của Xuân Diệu. Có thể thấy rằng mùa xuân là mùa của tinh hoa, mùa của tình yêu và tháng giêng là tháng đẹp nhất vậy mà tác giả lại ví “ngon như cặp môi gần”, sử dụng từ “ngon” như tác giả đang thưởng thức một món ăn tuyệt thế nào đó, chưa ai lại có được cái cảm xúc lạ như của Xuân Diệu về tháng giêng. Ông như một người hoạ sĩ đứng trước cặp tình nhân mặn nồng nên bức tranh “cặp môi gần” được tác giả vẽ ra rất gần gũi, toát lên sự quấn quýt hoà quyện vào nhau của đôi trai gái, tạo sự ngọt ngào say đắm của tình yêu thuở còn mặn nồng. Ở đó tác giả như muốn gửi gắm đến mọi người một thông điệp rằng mọi sự đẹp đẽ tinh hoa của tạo hoá không ở đâu xa mà nó luôn là cuộc sống xung quanh ta, hiện hữu ngay trước mắt ta.

Thể hiện niềm khát khao mãnh liệt trong tình yêu của Xuân Diệu với cái đẹp

Hai câu thơ cuối thể hiện sự tiếc nuối của tác giả về những cái đẹp của mùa xuân trước khi nó đi qua:

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

Chỉ có Xuân Diệu mới yêu cái vẻ đẹp của thiên nhiên đến chừng chưa qua đi đã nuối tiếc đến thế, tác giả không chỉ tiếc sự vẹn nguyên trong nét đẹp của mùa xuân mà còn tiếc sự qua đi của tuổi trẻ. Cuộc sống dưới ngòi bút của tác giả là một bữa tiệc mà mỗi con người đều là một vị thần, một vị khách đặc biệt đến tham dự. Tác giả đang cảm nhận hai trạng thái song song nhau ở cùng một thời điểm là “sung sướng” nhưng có phần lại “vội vàng”, hai trạng thái được đặt ở hai câu bởi sự ngăn cách của dấm chấm tạo nên sự hụt hẫng, đứt đoạn trong mạch cảm cúc dâng trào. Là bởi lẽ mùa xuân đẹp đến thế, vậy nên không khó để ta tìm ra những tác phẩm khác nói về mùa xuân, ngay trong Xuân Diệu ông cũng có được cảm xúc về mùa xuân ở khung cảnh khác:

“Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé

Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa

Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa

Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng”

(Xuân không mùa)

Ở mạch cảm xúc khác mùa xuân với Xuân Diệu là quanh năm, thời điểm nào sắc xuân cũng ghé vào được thế mới thấy tác giả yêu mến mùa xuân đến bao nhiêu bất cứ nơi đâu cũng cảm nhận thấy được mùa xuân.

Với tác giả thiên đường của cuộc sống là những gì tồn tại ngay trước mắt, con người chính là chuẩn mực của mọi cái đẹp trên thế gian, chỉ bằng một đoạn thơ thôi đã gửi gắm được mọi tâm tư, tình yêu và cả sự tiếc nuối của tác giả về cái đẹp. Qua đó gián tiếp thể hiện sự tiếc nuối cho tuổi trẻ, muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ rằng chúng ta đang sống quá vội vàng, vội vàng tới mức quên đi những cái đẹp nhất xung quanh cuộc sống của chính mình hãy trân trọng những hạnh phúc, những ngọt ngào đến xung quanh ta nhiều hơn nữa.

Dàn ý phân tích và bài văn mẫu phân tích 13 câu thơ đầu bài vội vàng của Xuân Diệu trên hy vọng đã giúp cho các em học sinh hiểu và cung cấp cho các em công cụ để phân tích bài thơ theo ý riêng của mình.

Bài viết liên quan :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *