Cảm nhận về bài thơ mùa xuân nho nhỏ – Văn mẫu lớp 9

Bài thơ mùa xuân nho nhỏ là chủ đề tập làm văn trong chương trình ngữ văn của các em học sinh lớp 9. Để làm tốt bài văn cảm nhận các em học sinh cần có vốn từ ngữ phong phú và khả năng sử dụng ngôn từ để câu văn được trau chuốt hơn. Sau đây chúng tôi giới thiệu đến các em và các bạn bài văn mẫu và dàn ý cho chủ đề cảm nhận về bài thơ mùa xuân nho nhỏ của tác giả Thanh Hải hy vọng sẽ giúp các em hoàn thành bài văn của mình tốt hơn.

Giới thiệu dàn ý bài văn cảm nhận bài thơ mùa xuân nho nhỏ

cam-nhan-ve-bai-tho-mua-xuan-nho-nho-van-mau-lop-9-1

Bài mùa xuân nho nhỏ là bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Thanh Hải

Mở bài:

Giới thiệu đôi nét về nhà thơ Thanh Hải, những tác phẩm tiêu biểu của ông từ đó dẫn vào giới thiệu bài thơ mùa xuân nho nhỏ của ông, nội dung chính của bài thơ nói điều gì (nói lên tình yêu của nhà thơ đối với cuộc sống, niềm khao khát được cống hiến sức mình của nhà thơ với đất nước).

Thân bài:

  • Phân tích 4 câu thơ đầu thể hiện tình yêu của tác giả trước thiên nhiên tươi đẹp của đất nước, chú ý đến những biện pháp nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng để vẽ nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp này.
  • Các hình ảnh được chọn lọc như bông hoa tím, dòng sông, bầu trời, con chim đang bay
  • Âm thanh: tiếng con chim chiền chiện hót
  • Giọt long lanh

Thanh Hải mang con mắt của kẻ si tình yêu say đắm bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp của đất nước

  • Phân tích đoạn thơ 10 câu thơ tiếp theo, đoạn văn này đã bắt đầu thấy nhịp thời gian như nhanh hơn với những hoạt động của con người vẫn đang ngày đêm vun đắp cho bức tranh tươi đẹp của đất nước, thể hiện tình yêu đất nước tha thiết của Thanh Hải.
  • Các hình ảnh: người ra đồng gieo mạ, người cầm súng, sử dụng các từ láy “xôn xao”, “hối hả” để miêu tả nhịp sống vội vã, khẩn trương nhưng vui vẻ
  • Đất nước được tác giả so sánh đẹp như vì sao => thể hiện thêm tình yêu đất nước, giục giã mọi người cống hiến, xây dựng quê hương
  • Phân tích các câu thơ còn lại, đây là đoạn thơ chủ chốt của cả đoạn bởi ý chính của tác giả nằm ở đoạn thơ này đó là mong muốn được cống hiến mùa xuân của mình xây dựng mùa xuân đất nước.

Kết bài:

Cảm nhận của em với bài thơ mùa xuân nho nhỏ như thế nào, khẳng định lại tình cảm yêu quê hương đất nước của tác giả

Bài văn cảm nhận bài thơ mùa xuân nho nhỏ

cam-nhan-ve-bai-tho-mua-xuan-nho-nho-van-mau-lop-9-2

Bài thơ thể hiện tình yêu với thiên nhiên và đất nước của nhà thơ

Nhà thơ Thanh Hải bút danh Phạm Bá Ngoãn, ông sinh ra và lớn lên là một người con của xứ Huế mộng mơ, quê hương xứ Huế đã sinh ra một người con với tâm hồn đầy rung cảm, những bài thơ của ông đã góp phần thắp sáng ngọn lửa thi ca cách mạng trong những năm kháng chiến. Bài thơ nho nhỏ của Thanh Hải được viết khi ông đang nằm trên giường bệnh, thể hiện tình yêu quê hương, yêu đất nước da diết và mong muốn được đóng góp mùa xuân nhỏ của bản thân cho mùa xuân rộng lớn của đất nước.

Mở đầu bài thơ là 4 câu thơ miêu tả vẻ đẹp của đất nước mà tác giả đã vẽ, bức tranh mùa xuân đất nước được tác giả phác họa bằng những nét chấm phá:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi! Con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Chỉ với vài nét vẽ đơn giản nhưng thật đặc sắc với những hình ảnh bình dị và thân quen Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh đẹp, thơ mộng. Bao quát bức tranh là không gian thoáng đãng của bầu trời rộng lớn, dòng sông xanh, sử dụng những tông màu sáng như xanh, tím ta có thể thấy rằng tâm hồn của nhà thơ vui vẻ, tràn ngập tình yêu như thế nào. Bức tranh còn có sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh và âm thanh sống động của tiếng chim hót. Đọc bốn câu thơ hiện ngay lên trước mắt chúng ta bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, khiến người đọc liên tưởng đến quê hương xứ Huế của tác giả, đồng thời có thể cảm nhận được niềm hân hoan của tác giả như thế nào khi nghĩ về quê hương bưng những từ ngữ rất da diết như “ơi”. Trên dòng sông Hương thơ mộng thấp thoáng đâu đó những tà áo dài của những cô gái Huế có tiếng chim hót rộn ràng, đây là con mắt nhìn và tiếng lòng của kẻ si tình, có phải ý của tác giả là như vậy chăng? Dưới con mắt của kẻ si tình mùa xuân bỗng trở nên tươi vui hơn, không còn trầm mặc như vốn có của nó. Cảm xúc của nhà thơ còn được thể hiện chi tiết rất đặc sắc và tạo hình:

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

Trong mùa xuân của tác giả từng giọt long lanh rơi là giọt của âm thanh của giọt mưa mùa xuân hay giọt tiếng chim hót vang ngân lên giữa không gian. Đưa tay hứng lấy những giọt rơi bằng sự trân trọng, bằng tất cả lòng mến yêu. Sự chuyển đổi giác quan từ thị giác, thính giá đến xúc giác khiến cho hình ảnh trong thơ như thật hơn, đa nghĩa hơn giúp cho những tâm tư của tác giả được diễn tả trọn vẹn hơn. Đọc những câu thơ đầu ta không hề nghi ngờ gì về tình yêu đất đước, đến niềm ngấy ngây của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên mùa xuân. Từ tình yêu thiên nhiên mùa xuân của quê hương tác giả, ông đã chuyển sang cảm nhận mùa xuân ở không gian lớn hơn đó là mùa xuân của đất nước với những câu thơ miêu tả vẻ đẹp lao động của con người trong tiết xuân:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc dắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Những câu thơ phân chia rõ thành hai mảng sóng đôi với nhau như một câu đối, một vế nói về những chiến sĩ đang cầm súng bảo vệ mùa xuân đất nước, vế còn lại  nói về những người nông dân cũng đang ra sức góp phần xây dựng mùa xuân, xây dựng đất nước. Trong những hoạt động đó của mỗi người cũng luôn có chị xuân dịu dàng bên cạnh, “lộc” xuân theo từng bước chân của các chiến sĩ ra chiến trận, theo bàn tay của người nông dân ra ruộng đồng, lộc xuân gieo niềm hân hoan đến khắp mọi miền của tổ quốc. Có lẽ bởi trong niềm vui, niềm hân hoan đó nên không khí cũng trở nên hân hoan, rộn ràng, khẩn trương hơn:

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao

Từ láy “hối hả”, “xôn xao” kết hợp với điệp từ “tất cả” khiến cho không khi khẩn trương hơn bao giờ hết. Cách lựa chọn và sử dụng từ ngữ của tác giả cho thấy được sự tài tình của nhà thơ khi muốn dùng từ ngữ để nói lên tâm tư của mình. Càng say đắm trước vẻ đẹp của thiên nhiên bao nhiêu, càng yêu quê hương đất nước bao nhiêu thì càng ra sức muốn bảo vệ cái đẹp đó, càng muốn nhanh đuổi hết sạch quân thù để đất nước thanh bình vui chung niềm vui khi xuân đến. Nối tiếp những tâm tư của tác giả về đât nước là lòng tự hào dân tộc, về hào khí hào hùng trong những trận chiến bảo vệ dân tộc của cha anh từ xa xưa:

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước

Đoạn thơ thể hiện rõ niềm tự hào dân tộc của nhà thơ, tổ quốc đã phải chịu nhiều đau thương từ trong quá khứ, luôn oằn mình phải chịu sự ức hiếp của kẻ thù, bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu giọt mồ hôi rơi, bao nhiêu người đã phải hy sinh, bao người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những đứa trẻ mồ côi cha nhưng tinh thần đoàn kết dân tộc đã chiến thắng tất cả. Sử dụng những hình ảnh đẹp, lung linh như ‘vì sao” và phép so sánh tác giả ví tổ quốc đẹp lung linh, rực rỡ như niềm chiến thắng hết chiến trận này đến chiến trận khác, hùng dũng hiên ngang bước lên phía trước. Sự vận động không ngừng của những vì sao được so sánh với sự phát triển của tổ quốc thúc giục mỗi người hăng say cống hiến cho quê hương, xây dựng đất nước tươi đẹp hơn nữa. Khát vọng hiến dâng của nhà thơ được thể  hiện trong những câu thơ tiếp theo:

cam-nhan-ve-bai-tho-mua-xuan-nho-nho-van-mau-lop-9-3

Khát khao mong được cống hiến hết sức mình xây dựng đất nước

Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Qua mấy câu thơ thấy rõ được sự tài tình của tác giả, tâm hồn lãng mạn và đậm chất thi ca của nhà thơ được thể hiện thông qua những câu thơ hóa thân trên. Nếu như mở đầu bài thơ tác giả đã vẽ bức tranh mùa xuân đẹp với hình ảnh dòng sông lãng mạn, bông hoa tím biếc, tiếng chim hót rộn ràng thì ở đây tác giả tiếp tục lặp lại ý thơ với sự đối ứng khá chặt chẽ nhưng lần này tác giả mong muốn được trực tiếp tham gia vào bức tranh trên khi muốn được làm nhành hoa, làm tiếng chim hót, khát khao được hiến dâng thân mình vào bức tranh mùa xuân tươi đẹp kia cũng như vào mùa xuân của đất nước. Dù chỉ là một cánh chim nhỏ bé, dù chỉ là một nhành hoa mỏng manh nhưng cũng nguyện được đóng góp sức mình để mùa xuân tươi đẹp hơn. Sự chuyển đổi ngôi xưng từ “tôi” ở câu thơ đầu sang “ta” thể hiện quan hệ cá nhân tác giả với cộng đồng, cùng với đó là các điệp từ “ta làm” không chỉ thể hiện sự quyết tâm của tác giả mà còn là lời kêu gọi mọi người cùng tham gia để góp phần thêm màu sắc và hình ảnh của bức tranh mùa xuân thêm đẹp hơn. Nốt trầm cũng là thể hiện sự hy sinh mà tác giả đang muốn nhắn đến. Ta cảm nhận được sự chân thành, được sự khiêm nhường và cảm xúc tha thiết của nhà thơ trong những câu thơ tiếp nối như sau:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

Điệp từ “dù là” được sử dụng để nhắn nhủ giữa lớp người đi trước và những thế hệ tiếp theo thì đều nên góp sức của mình bảo vệ và dựng xây đất nước. Mặt khác khi đọc những câu thơ cuối ta thấy được sự bất lực của tác giả, mong muốn được cống hiến sức mình nhiều hơn nữa cho đất nước nhưng bất lực. Ta biêt rằng tác giả viêt bài thơ này khi đang nằm trên giường bệnh, có lẽ đây là những tâm tư chân thật nhất, khát khao nhưng sức lực đã không còn mặc dù tâm trí thì luôn hướng về quê hương, đất nước. Thay vào đó thông qua việc thể hiện tâm tư mình tác giả muốn thức tỉnh, thúc giuc, kêu gọi mọi người hãy luôn yêu và bảo vệ đất nước, bảo vệ mùa xuân tươi đẹp trên quê hương.

Bài thơ kết thúc trong niềm xúc động dành cho tác giả – một người con luôn đau đáu nỗi niềm với tình yêu quê hương, đất nước. Với ý thơ đẹp như hoa lay động trái tim mỗi người, thúc giục mọi người cần hành động để bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương đất nước tươi đẹp hơn. Chúng em may mắn khi sinh ra trong hòa bình, nhiệm vụ của chúng em cần phải làm là trở thành thế hệ có thể làm rạng danh đất nước.

Bài văn mẫu và dàn ý ở trên hy vọng đã giúp ích được cho các em học sinh hiểu được bài thơ và thêm ý tưởng  cho bài văn của mình để hoàn thành bài được tốt nhất.

Bài viết liên quan :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *