Hoa mai – loài hoa đặc trưng ngày tết ở Việt Nam, đặc biệt rất phổ biến ở miền Nam. Để giúp các em học sinh lớp 8 có thể làm tốt hơn bài văn thuyết minh về cây mai cũng như các bài văn thuyết minh sự vật, sự việc khác, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết cách lập dàn ý cũng như những bài văn mẫu hay được chọn lọc dưới đây.
Gợi ý dàn ý thuyết minh cây hoa mai
1. Mở bài
Giới thiệu về cây hoa mai gắn liền với ngày tết Việt Nam.
2. Thân bài
- Nguồn gốc của cây hoa mai, có những loại hoa mai nào?
Nguồn gốc của hoa mai từ loại cây rừng và được tiều phu đem về trồng.
Hoa mai có rất nhiều loại dựa vào màu sắc hay đặc điểm sẽ có cách phân loại khác nhau, trong đó mai vàng là loài hoa mai được ưa chuộng nhất ở Việt Nam.
- Đặc tính và cách chăm sóc của cây hoa mai
Hoa mai có đặc tính kiên cường nên rất dễ chăm sóc. Đây là loài cây có khả năng thích ứng tốt với mọi điều kiện sống và ưa đất ẩm.
Nếu dùng hoa mai để chơi tết, cần chăm sóc cẩn thận và có kỹ thuật để hoa mai vàng nở rực rỡ đúng những ngày đầu năm.
- Ý nghĩa của cây hoa mai đối với đời sống của người Việt Nam
Hoa mai là đại diện cho bậc chính nhân quân tử, là loài hoa đẹp đã đi vào thơ ca của người Việt.
Hoa mai còn là sứ giả của mùa xuân, trở thành biểu tượng may mắn, sung túc của năm mới mỗi dịp tết đến xuân về.
3. Kết bài
- Khẳng định giá trị của cây hoa mai
- Cảm nghĩ của em về cây hoa mai như thế nào
Những bài văn mẫu hay thuyết minh về cây hoa mai
1. Bài văn thuyết minh về cây hoa mai số 1
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, nếu như người miền Bắc chơi những cành đào đỏ thì người miền Nam lại chuộng những cây mai vàng rực rỡ. Cũng không biết tự bao giờ, cây mai vàng đã trở thành hình ảnh thân thuộc, gắn liền với ngày tết cổ truyền Việt Nam.
Thuyết minh về cây hoa mai
Không ai biết cây mai có tự khi nào, nhưng theo kể lại, mai vàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Từ cổ xưa, người Trung Quốc đã rất coi trọng cây mai khi xếp mai vào nhóm: tuế tàn tam hữu để dùng hình ảnh loài cây này nói đến những bậc đại trượng phu, chính nhân quân tử. Xuất xứ của cây mai từ loài cây dại với khả năng sinh tồn tuyệt diệu, thích ứng tốt với mọi khí hậu khắc nghiệt và vẫn nở ra những bông hoa đẹp rực rỡ.
Tùy vào điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước và khí hậu mà thân cây mai có thể cao lớn lên đến 20 – 30m, rễ cây mai đâm sâu xuống lòng đất đến 3m. Lá cây mai thuộc dòng lá đơn, mọc so le với những phiến lá thuôn dài, mặt dưới của lá hơi ánh vàng. Hoa mai là dòng hoa lưỡng tính mọc thành chùm và được mọc ra từ nách lá. Ban đầu, bông hoa cái với kích thước lớn sẽ mọc ra trước. Khi hoa cái tàn, nở bung ra sẽ xuất hiện các chùm hoa con tăng trưởng rất nhanh. Hoa mai có nhiều cánh khoảng 5 – 7 như cánh phương xếp chồng lên nhau, đan xen bao quanh nhụy hoa vàng. Quá trình nở và tàn của hoa mai thường diễn ra rất nhanh chỉ trong vòng khoảng 1 tuần. Ngày đẹp và rực rỡ nhất của hoa mai thường rơi vào ngày tứ 3 đến thứ 5 sau ngày hoa cái nở. Cây mai cũng có quả đấy nhé, quả mai vàng được kết tinh lại sau khi hoa tàn.
Nếu như miền Bắc có hoa đào thì miền Nam sẽ có hoa mai. Từ lâu, hoa mai được người Việt xem như biểu tượng của sự may mắn, giàu sang và phú quý nên được chơi rất nhiều vào ngày tết với mong muốn một năm mới thuận lợi, phát tài, phát lộc. Người dân ta cũng quan niệm, vào ngày tết, mai vàng nở càng nhiều cánh sẽ càng tốt, gia đình sẽ được sung túc cả năm. Trong những ngày tết, hình ảnh hoa mai nở rực rỡ gọi xuân về đã không còn xa lạ. Không khí ngày tết sẽ chẳng thể nào trọn vẹn nếu như thiếu đi cánh đào, cánh mai. Dường như hình ảnh cây mai đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần ngày tết cổ truyền của người dân Việt Nam, để từ đó đi vào những bài thơ, câu hát đầy tha thiết. Hoàng Giáp thân quốc công Nguyễn Trung Ngạn đã từng nhìn mai lấy cảm hứng sáng tác những câu thơ thần:
Dã mai cốt cách nguyên phi tục
Hải hạc phong tư tự bất quần
(Ý nói vẻ đẹp của cây mai vốn chẳng vướng tục)
Không phải ngẫu nhiên người xưa coi cây mai như đại diện của bậc chính nhân quân tử. Bởi cây mai có rễ cắm câu vào lòng đất và không dễ bị gục ngã trước gió bão, và dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế nào, những bông hoa mai vẫn nở ra rực rỡ và thanh khiết. Người xưa cũng đã nói: mai hoa sắc bạch tuyết trung minh – hoa mai sắc trắng sáng trong tuyết. Ngay cả giữa tuyết, sắc trắng của hoa mai vẫn nổi bật và không bị lu mờ.
Không chỉ có thi nhân yêu hoa mai, đến cả người thầy thuốc cũng mến chuộng loài hoa này. Hoa mai theo y học cổ truyền thường được dùng để chữa các chứng bệnh sốt cao, ho, viêm họng, sưng đau, chán ăn, bỏng, chóng mặt… rất hiệu quả lại lành tính. Ẩm thực cũng sử dụng loài hoa đặc biệt này để chế biến các món ăn ngon, đẹp mắt lại bổ dưỡng, đặc biệt khi kết hợp cùng các loại thực phẩm khác như thịt dê, hải sâm, cá chép…
Hoa mai không chỉ mang vẻ đẹp thanh khiết mà còn đại diện cho mùa xuân – mùa của sự bắt đầu, mùa của sự sống. Đặc biệt với những người con xa xứ, mỗi dịp tết đến xuân về lại nao nao nhớ tới hình ảnh hoa mai cùng không ít ăn tết đầm ấm và vui vẻ bên gia đình.
2. Bài văn thuyết minh về cây hoa mai số 2
Từ xa xưa, mỗi độ tết đến xuân về trên đất Việt, trong nhà của mỗi người dân Việt chẳng thể nào không xuất hiện một nhành đào hay một cây mai. Cây mai không đơn giản chỉ là một loại hoa trang trí mà còn đại diện cho đời sống tinh thần của người dân về một ước muốn cho năm mới được may mắn, sung túc và đủ đầy.
Miêu tả về cây hoa mai
Nếu bạn sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam hay có dịp ghé thăm vùng đất này vào ngày tết sẽ chẳng khó khăn để chiêm ngưỡng những chậu mai vàng rực rỡ khắp các phố phường và trong nhà người dân. Hoa mai cũng có nguồn gốc từ loài hoa dại trong rừng, sau đó được con người đem về trồng. Một cây mai nếu hợp khí hậu, thổ nhưỡng, trải qua năm tháng có thể cao đến 30 m và có bộ rễ đâm sâu trong lòng đất đến 3m với thân lớn nhiều người ôm. Nhưng khi hoa mai được trồng trong chậu kiểng lại có hình dáng nhỏ bé hơn, thích hợp để chưng trong nhà. Đặc biệt hiện nay người ta đã lai tạo ra nhiều giống mai khác nhau và còn tạo ra những kiểu dáng lạ mắt cho mai theo hình rồng, phụng, lân rất đẹp mắt. Càng những cây mai có thế đẹp sẽ càng có giá trị và cần người chăm bỏ công bỏ sức.
Họ hàng nhà mai kể không xuể. Nếu dựa vào màu sắc sẽ có mai vàng (hoàng mai), mai trắng (bạch mai), mai xanh (thanh mai), mai hồng (hồng mai). Còn dựa vào đặc điểm sẽ có mai tứ quý, mai chiếu thủy… Nhưng có lẽ phổ biến nhất với người Việt Nam là mai vàng mặc dù mai vàng chỉ nở vào dịp tết còn mai tứ quý lại nở quanh năm. Nhưng dù có khác nhau về màu sắc hay đặc điểm, họ hàng nhà mai đều chung những đức tính đặc trưng: ưa đất ẩm vừa, có khả năng bám sâu vào lòng đất, chịu được môi trường sống khắc nghiệt.
Ở Việt Nam, mai thường được dùng để chơi những ngày tết. Gia đình nào thích sự đơn giản sẽ chỉ đem 1 cành mai về cắm trong nhà, nhưng cũng có nhiều gia đình lại chưng cả chậu mai. Dù một chậu mai hay cành mai cũng được, nhưng tết nếu thiếu hoa mai sẽ chẳng phải không khí tết sum vầy theo đúng truyền thống dân tộc nữa rồi.
Hoa mai không mọc riêng lẻ mà mọc thành những chùm lớn từ nách của lá mai. Hoa mai có 5 đến 7 cánh mỏng manh xếp chồng lên nhau, ở giữa là nhụy vàng. Hoa mai không đỏ rực rỡ như hoa hồng cũng chẳng thơm ngát như hoa nhài, nhưng vẻ đẹp của hoa mai là một vẻ đẹp thanh khiết, rất riêng, rất cuốn hút lòng người đã làm biết bao thi sĩ phải say đắm. Chẳng phải quá ưu ái hoa mai, nên người xưa coi hoa mai là biểu tượng của bậc chính nhân quân tử. Ngay cả Cao Bá Quát cũng đã từng viết lên những câu thơ:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai
(Mười năm chu du tìm gươm báu
Đời ta chỉ cúi lạy hoa mai)
Hoa mai nở và cũng tàn nhanh. Một vòng đời của hoa mai chỉ trong vòng khoảng 5 đến 7 ngày. Chính vì thế để hoa mai nở đẹp và rực rỡ nhất vào đúng những ngày tết, người trồng mai cần biết cách tỉa lá vào tháng chạp, tưới nước đều đặn để mai cho ra những cành mai, lộc mai non và từ đó bung ra những chùm hoa vàng rực rỡ đón mừng năm mới.
Hoa mai hiện diện trong mỗi gia đình ngày tết đến xuân về sẽ mang lại may mắn và sự bình an. Không những thế, với đặc tính kiên cường, dù nắng hay mưa, dù khô hạn hay buốt giá, cây mai vẫn kiên cường để hiến dâng cho đời những chùm hoa đẹp còn là biểu tượng cho sự lịch lãm, thanh khiết của con người.
Chẳng biết tự bao giờ, cây hoa mai đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Bằng nét đẹp giản dị nhưng đầy thanh tao và dịu dàng, hoa mai – sư giả của mùa xuân phương Nam sẽ mãi là niềm tự hào của người dân đất Việt.
Có lẽ sẽ thật khó để có thể miêu tả, thuyết minh lột tả hết vẻ đẹp và ý nghĩa về loài hoa mai – loài hoa như bức tượng đài trong lòng người dân Việt Nam. Mong rằng với những bài văn mẫu được tuyển chọn trên đây sẽ giúp được các em học sinh biết cách làm văn thuyết minh nói chung và có cảm hứng để làm tốt bài văn thuyết minh về cây mai. Chúc các em đạt được điểm cao bài văn này.